A2 pro

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
A2 pro

Diễn đàn dành riêng cho lớp A2 trường THPT Hoằng Hóa 4

Thống Kê

Hiện có 4 người đang truy cập Diễn Đàn, gồm: 0 Thành viên, 0 Thành viên ẩn danh và 4 Khách viếng thăm

Không


[ View the whole list ]


Số người truy cập cùng lúc nhiều nhất là 17 người, vào ngày Mon Sep 16, 2024 9:33 pm

Dong Nhi -than tuong cua toi

Sat Mar 26, 2011 2:28 pm by littleprincess_a2

Sau một thời gian khá dài tập trung quảng bá cho các ca khúc trong album vol.1 The First Step theo dòng nhạc Pop dance, những ngày đầu tháng 3 này, Đông Nhi đã bắt tay cùng quản lý - nhạc sĩ Đằng Phương thực hiện một ca khúc mới toanh. Với tên gọi Từng thuộc về nhau, ca khúc mới của Đông Nhi chính là món quà đặc biệt …

Hướng dẫn cach bỏ ảnh vào bài viết

Fri Mar 18, 2011 7:37 pm by Admin

các bạn truy cập vào đây
sau đó chọn ảnh
chọn ảnh trong máy tính
sau đó upload lên
bạn copy link diễn đàn (bôi đen ấn chuột phải chọn copy)
cuối cùng vào chỗ bài viết paste(dán) vào bài viết của mình (ấn chuột phải chọn paste)


Hướng dẫn cach post bài

Mon Mar 14, 2011 7:52 pm by Admin

Khi các bạn muốn post một bài viết nào đó các bạn chọn mục cần viết, rồi chọn tiếp newtopic
Khi đó sẽ có mục gửi bài mới, các bạn viết tên tiêu đề của bài viết vào chỗ Title of the topic , sau đó viết bài viết vào khoảng trắng lớn nhất
Có thể gửi kèm nhạc ảnh hình yahoo vào bài viết cho sinh động VD : …

Hướng dẫn cách đăng kí tài khoản để tham gia diễn đàn

Mon Mar 14, 2011 8:09 pm by Admin

Các bạn vào trang của diễn đàn https://a2hh4.forumvi.com/
sau đó kich chọn đăng kí
Làm theo hướng dẫn
sau khi đăng kí xong tài khoản cua bạn vẫn chưa được kich hoạt
Để kich hoạt tài khoản các bạn vào email của mình vừa đăng kí rồi làm theo hướng dẫn như trong email
Muốn vào email thi hỏi mình Lê Văn Hải [img][URL=http://photo.apps.zing.vn/staronline133/apps/photo/album/photo-detail/id/1161881540]Những câu chuyện cảm động p7 …

Hướng dẫn cách trả lời bài viết

Mon Mar 14, 2011 7:56 pm by Admin

Đứng trước 1 bài viết hay 1 bài viết dở , bạn có thể trả lời hoặc nhận xét bài viết đó bằng cách chọn post reply
viết tương tự như post bài

Keywords

Latest topics

» Mu Gia Long - Dòng Máu Hoàng Tộc Season 6 Open 24/04/2011
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeTue Apr 19, 2011 11:28 am by Khách viếng thăm

» truyện cười đê............
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeTue Apr 05, 2011 7:46 pm by lamcan_a2

» khó wa.com.
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeThu Mar 31, 2011 8:37 pm by van_giapa2

» anh lop a2 minh ne`
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeMon Mar 28, 2011 8:00 pm by ho^`ngchie^n_rockchick

» ĐÔI KHI...
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeSun Mar 27, 2011 10:34 am by van_giapa2

» trả lời nhanh nhé các bạn!!!
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeSun Mar 27, 2011 10:23 am by van_giapa2

» Tổng hợp Hài 'Bao Công xử án Tôn Ngộ Không'
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeSat Mar 26, 2011 8:16 pm by Admin

» Những video cảm động về chó
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeSat Mar 26, 2011 8:08 pm by Admin

» nghe bai hat moi nhat cua Dong Nhi "Tung thuoc ve nhau "
Những câu chuyện cảm động p7 I_icon_minitimeSat Mar 26, 2011 2:41 pm by littleprincess_a2


    Những câu chuyện cảm động p7

    Admin
    Admin
    Trưởng phòng xuất sắc
    Trưởng phòng xuất sắc


    Tổng số bài gửi : 54
    Reputation : 2
    Join date : 14/03/2011
    Age : 30
    Đến từ : Hoằng Hóa Thanh Hóa

    Những câu chuyện cảm động p7 Empty Những câu chuyện cảm động p7

    Bài gửi  Admin Fri Mar 18, 2011 7:56 pm

    Thư gởi con trai
    Gởi con của bố,

    Hai bố con đã cãi vã với nhau. Con đã rất bực tức và bố cũng thế. Bố đã mất bình tĩnh, thế là hai bố con ta to tiếng với nhau. Con biết đấy, rốt cuộc là la hét chẳng giúp ích được gì ngoại trừ làm cho mọi thứ đều trở nên tồi tệ hơn.

    Bố rất vui khi tối qua con đã đến và xin lỗi bố. Điều đó bố biết không dễ dàng chút nào, đặc biệt là khi ai cũng nghĩ rằng mình đúng.

    Bố cũng xin lỗi con. Bố đã sai khi mất bình tĩnh như thế. Con biết đó, làm một điều sai thì rất dễ dàng, nhưng lấy lại điều sai đó thì vô cùng khó. Bố cũng cảm thấy rất khó khăn khi nói xin lỗi con, con trai. Nhưng bố thật mừng vì cuối cùng bố cũng đã xin lỗi.

    Có lẽ con không biết đâu, khi con nổi nóng bố cảm thấy như mình mất hết quyền lực. Bố sợ hãi ! Bố không còn điều khiển được cảm xúc nữa. Hoặc là bố phải đấu tranh, hoặc là bố phải trốn chạy. Bố đã chọn cách thứ nhất.

    Nói lời xin lỗi quả khó thật, nó cưỡng lại quy luật tự nhiên về lòng tự ái của con người. Ai cũng luôn nghĩ là mình đúng, trong khi xin lỗi nghĩa là công nhận mình sai. “Xin lỗi”, nó cần một sự thay đổi trong tư tưởng, cần phải chấp nhận rằng mình đã sai, cần sự nhún nhường, nghĩa là khước từ những gì mình đã nghĩ trong đầu trước đó.

    Nhưng xin lỗi cũng có cái hại của nó, vì đã xin lỗi rồi thì khi khác, nếu trường hợp y như thế này lại tái diễn thì lời xin lỗi không còn chút giá trị gì hết. Nhưng bố biết rằng xin lỗi là đúng đắn. Bố và con phải rút kinh nghiệm, phải làm thế nào, cư xử thế nào trong tương lai. Và vì vậy hai bố con phải quên đi những lỗi lầm của nhau. Hai bố con không thể mang cái sai trong suốt hành trình còn lại của đời mình.

    Bố rất vui, con trai, con đã đến xin lỗi bố và cho bố cơ hội để xin lỗi con. Hai bố con đã cho nhau cơ hội để tha thứ lẫn nhau, để cả hai bố con mình biết: Bố yêu con như thế nào và con cũng yêu bố đến mức nào.

    Bố của con.

    Đây là bức thư của một người bố gửi một người con sau cuộc cãi vã. Có thể bố mẹ không nói lên thành lời như thế này, nhưng hãy tin rằng trong đầu bố mẹ luôn có một bức thư tương tự như thế. Mỗi khi bạn quá buồn bã và bị tổn thương vì những lời nói của bố mẹ trong lúc giận dữ, hãy đọc bức thư này để xoa dịu lòng mình... Để biết rằng cha mẹ thương yêu chúng ta biết bao nhiêu!

    Thư cho con gái
    Con yêu mến!

    Việc chọn lựa người chồng phải do con tự định đoạt vì việc đó quan hệ trọn đời con. Ý kiến của ba chỉ là để hướng dẫn con phần nào thôi.

    Ba hân hoan tưởng tượng tới một ngày nào đó, con gái ba với cặp má ửng hồng e lệ, giọng nói run run cảm động báo cho ba biết một chàng trai sắp sửa đến xin ba được cưới con.

    Khi ấy ba sẽ hoàn toàn sung sướng với hy vọng rằng chàng rể của ba không phải là một anh chàng quá bảnh trai và khéo nói. Vì một chàng trai như thế thường là được nhiều cô gái si mê và tính tình của họ thường kiêu kỳ, thiếu thủy chung.

    Ba không ưa những anh chàng quá chải chuốt bề ngoài. Sự chải chuốt ấy chiếm quá nhiều thời giờ trong đời họ, đâu còn chỗ dành cho hạnh phúc của kẻ khác.

    Ba không ưa những anh chàng quá lập dị, ăn mặc, cử chỉ lố lăng. Họ đâu biết thích ứng với hoàn cảnh và cư xử cho hợp với xung quanh?

    Ba không ưa những anh chàng tỏ ra quá thông thái. Không ai có thể làm vừa lòng họ. Họ tự phụ với sự hiểu biết của mình, song thực ra họ thường không quyết đoán và kém phần khẳng khái. Trí óc đa tạp của họ dễ làm người khác thán phục nhưng không sưởi ấm được ai.

    Ba không ưa những anh chàng quá ham công tiếc việc. Họ không còn thời giờ để thưởng thức thiên nhiên, không biết sống hồn nhiên đơn giản, và không còn đủ tâm trí khoáng đạt để yêu thương. Công việc của họ chẳng khác gì những vực sâu vùi lắp tâm hồn họ.

    Ba không ưa những anh chàng tỏ ra quá ư đạo đức. Thế giới quan đạo đức của họ che mất cả thế giới hữu hình làm họ thiếu thực tế. Họ thường đòi hỏi quá đáng với người vợ và ít quan tâm đến giá trị của miếng cơm manh áo.

    Ba không ưa những anh chàng quá giàu sang, họ còn bận lo cho sản nghiệp ngày một lớn, của cải ngày một nhiều. Như thế còn đâu cho tình gia đình?

    Ba không ưa… ba không ưa…

    Có lẽ con sẽ nghĩ thầm: thế người ta cũng không ưa ba thì sao?

    Khoan đã! Người chồng của con gái ba thì thế nào mà ba chẳng ưa. Miễn là họ chân thành, nhất là phải quân bình. Ðừng quá thiên lệch về một đức tính nào ba vừa kể trên. Ba chỉ cầu mong ở họ một tâm hồn cao thượng, quả cảm, một ý chí kiên cường và một lòng tận tụy với bổn phận dù ở bất kỳ địa vị nào. Và nhất là phải thật lòng yêu con gái của ba…

    Thôi nhé con yêu. Ðường đời là phía trước dưới bước chân con, ba chỉ là cột mốc bên vệ đường hướng con đến với bến bờ hạnh phúc. Mọi quyết định đều do bởi con mà thôi. Hãy bình tĩnh và tự tin con nhé…

    Ba của con.



    Biến dạng
    Con bé một mình thơ thẩn trước nhà. Nó bỗng thấy một xấp tiền nằm im lìm bên gốc cây bàng. Con bé khẽ khàng cầm lên, lập cập đếm... Đúng 270 ngàn ! Số tiền rất lớn đối với nó. Nó đưa mắt dáo dác nhìn quanh.Phía trên đê, có người phụ nữ đang dắt chiếc xe chậm rãi xuống dốc. Nó chạy nhanh tới, hỏi:

    - Cô, cô có đánh rơi tiền không ?

    Người phụ nữ thoáng ngạc nhiên, rụt rè hỏi lại nó:

    - Cháu nhặt được tiền phải không ?

    Nó gật đầu. Khác vẻ e dè khi nãy, người phụ nữ mạnh bạo hơn:

    - Cô đang đi tìm tiền đây. Khổ quá ! Thoáng cái đã rơi mất số tiền nộp viện phí !

    Nó hồn nhiên chìa ra xấp tiền:

    - Đây phải không cô, cháu vừa nhặt được, cháu gửi lại cô đấy !

    Người phụ nữ hơi cập rập, lúg túng rút đưa cho nó một ít tiền. Nó không nhận. Người phụ nữ dúi vào tay nó rồi hớt hải phóng xe đi.

    Con bé thấy vui vui khi làm được một việc tốt, nhưng vẫn xen lẫn chút băn khoăn.

    Đêm về, nằm bên mẹ, bỗng nó thấy mẹ khóc xót xa. Mẹ nói, mẹ làm rơi 270 ngàn tiền lương. Nghĩ đến cuộc sống tháng ngày tới của hai mẹ con, mẹ ôm nó vào lòng bậm môi nức nở. Nó cay đắng rút ra số tiền người phụ nữ hôm nay đưa. Con bé nghiến răng, run run bóp chặt trong lòng bàn tay non nớt. Những đồng bạc sớm biến dạng trong con mắt dại khờ.

    Vắng mẹ
    Tôi mở hộc tủ bếp lần này là lần thứ sáu, hy vọng mấy chiếc khăn lót đĩa ăn hiện ra trong đó. Nhưng dĩ nhiên là chúng không hề có ở đó. Tôi bực dọc tự nói với mình: “Mẹ đã làm gì với mấy cái khăn rồi không biết?” Tôi biết chắc chắn là chúng chỉ ở quanh quẩn đâu đó mà thôi vì tôi mới mua tặng mẹ nhân Giáng sinh cách đây vài tháng mà. Tôi cố tìm không phải là vì chúng quá quan trọng mà là vì khi bạn đang chuẩn bị đón khách, bạn muốn mọi thứ đều phải thật hoàn hảo. Nhưng dù sao thì phải đến ngày mai khách khứa mới đến nên còn nhiều thời gi­an để bận tâm đến chuyện khăn khố.

    Tôi nghĩ chắc hai vợ chồng anh chị họ tôi cũng không phiền vì thiếu mấy cái khăn đâu. Vậy thì làm gì kế tiếp đây? Tôi nghĩ có lẽ mình phải tìm xem chiếc khăn trải bàn đẹp nhất của mẹ ở đâu. Khăn trải bàn là thứ bắt buộc phải có mỗi khi nhà tôi có khách. Và tôi đã tìm thấy nó, nhưng khi lôi nó ra khỏi tủ và trải lên bàn thì… tôi mất hết tinh thần. Ngay chính giữa tấm khăn thêu bằng tay rất đẹp mà mẹ phải mất rất nhiều tháng trời để hoàn thành là một vết bẩn to tướng. Tôi chợt nhớ ra, vào dịp họp mặt Giáng sinh lần trước, con trai của anh tôi đã vô ý làm đổ cả một ly so­da lên đó. Và dĩ nhiên, đứa cháu nội khóc thút thít vì ăn năn thì quan trong hơn chiếc khăn trải bàn nhiều. Thế là, mẹ tôi bảo rằng mọi việc sẽ ổn thôi khi bà đem khăn đi giặt sạch. Nhưng mà nó đâu có sạch.

    Thế là tôi lại phải quên luôn chuyện dùng khăn trải bàn. Bây giờ thì có lẽ tôi nên đi hút bụi thì hơn. Nghĩ đến chuyện cuối cùng thì công việc của mình cũng có tiến triển một chút, tôi liền vui vẻ đi lấy máy hút bụi và hăng hái làm việc. Nhưng… tại sao tiếng kêu của nó lại buồn cười thế này? Và vì sao nó chẳng chịu hút mấy mẩu giấy vương vãi trên sàn nhà thế kia? Tôi rút chiếc ống hút bụi ra, kiểm tra lại phích cắm: có điện, nhưng cái ống hút bụi thì lại bị nghẹt, đó là lý do vì sao nó cứ trơ trơ chẳng chịu hút bụi gì cả. Đầu tiên tôi chẳng tìm thấy chiếc khăn lót đĩa nào, rồi đến tấm khăn trải bàn của mẹ bị bẩn, còn bây giờ thì là chiếc máy hút bụi vô tích sự.

    Không biết làm thế nào, thế là tôi bật khóc. Bây giờ tôi phải làm gì đây chứ? Không có khăn lót đĩa, chẳng có khăn trải bàn là cũng đã đủ tệ lắm rồi, tôi không thể để cho nhà cửa bẩn thỉu khi có khách đến như thế được. Tôi tìm mọi cách để làm thông cái ống, nhưng rốt cuộc cái máy hút bụi vẫn bị nghẹt cứng ngắt.

    Cha ở đâu không biết nữa? Giờ này chắc cha đang quanh quẩn đâu đấy trong vườn nhà. Vừa hay cha tôi bước vào nhà, nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của tôi, ông hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

    Tôi bỗng òa khóc: “Cha, con chẳng thấy mấy cái khăn đâu, tấm trải bàn thì bị bẩn, còn cái máy hút bụi thì vô tích sự, và…”, tôi dừng lại cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng: “… và … con nhớ mẹ.”

    Cha tôi thở dài nói: “Cha biết, cha cũng rất nhớ bà ấy. Con biết không? Con sẽ nhớ mẹ rất nhiều trong những ngày sắp tới và nhiều năm sau nữa, khi đã ở tuổi của cha, tình cảm đó cũng sẽ không bao giờ tan biến đi”.

    Cách đây ba tuần, mẹ tôi được chẩn đoán là ung thư túi mật gi­ai đoạn cuối. Mẹ đã qua đời hôm thứ bảy. Hôm nay là thứ hai, và các cháu của cha sẽ vượt chặng đường gần năm trăm cây số để đến đây tham dự đám tang. Chuyện xảy ra quá đột ngột. Chỉ trong vài tuần mà vẻ già nua đã hiện lên rõ rệt trên khuôn mặt cha.

    Khi đám tang kết thúc và tất cả họ hàng đã ra về, tôi tìm thấy mấy chiếc khăn lót đĩa trong ngăn tủ quần áo của mẹ. Và sau khi được giặt đi giặt lại nhiều lần, vết bẩn trên khăn trải bàn cũng được tẩy sạch. Cha tôi cũng đã sửa xong cái máy hút bụi. Nhưng không có gì thay đổi được sự thật là mẹ tôi đã qua đời. Song, hình ảnh của mẹ sẽ vẫn luôn sống mãi trong tim tôi, đúng như lời cha đã nói, cho dù năm tháng có qua đi.

    Mẹ và dư luận
    Lên đại học, học môn tâm lý tôi mới hiểu một phần về sức mạnh dư luận. Nó có thể ví như ngọn gió: hoặc khiến người ta có cảm giác dễ chịu, khoan khoái, hoặc khiến người ta lao đao, khổ sở. Và ngọn gió thứ hai ấy đã đi qua đời mẹ tôi kể từ một ngày…

    Thế là hết, mẹ tôi mất chồng khi tôi vào mẫu giáo và đứa em gái kế tiếp lên hai. Bố tôi ra đi trong một vụ tai nạn đường sông. Hạnh phúc bảy năm chung sống của mẹ lúc ấy như mảnh gương vỡ. Thế là hết, bao nhiêu lo toan, vất vả thời kỳ đầu đất nước mở cửa của gia đình tôi không còn san đều cho hai người mà đã trút hết vào vai mẹ - một người bị bệnh thấp khớp, tay chân lúc nào cũng đau nhức. Thế là hết, biển Đông bây giờ chỉ còn mình mẹ… tát cạn.

    Vẫn còn đó trong nỗi nhớ của tôi bóng dáng mẹ tất tả gánh từng gánh dâu nuôi những mí tằm. Người ta nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng”. Tối đến mẹ vừa thái dâu vừa bóp thuốc cho tay đỡ đau, đỡ mỏi. Thương mẹ, tôi chỉ biết vâng lời mẹ... đi ngủ sớm. Mẹ vẫn thức tới khuya, hi vọng ngày mai tằm sẽ nhả tơ! Vẫn còn đó hình ảnh đứa em khóc thét khi đòi vú mẹ. Nóng quá nó không bú được. Tội nghiệp em tôi, nhưng có bao giờ mẹ về trước 12 giờ trưa đâu. Vẫn còn đó ánh lửa chập chờn bóng mẹ mỗi sớm: nồi cơm một bên, nồi cám lợn một bên để cải thiện cuộc sống. Mẹ ngồi xuống, đứng lên một cách chậm chạp. Đứa em thứ ba của tôi sắp ra đời. Sao mẹ lại khóc? Mẹ xoa đầu tôi rồi nhìn vào xa xăm: con chưa hiểu gì đâu. Thế nhưng bây giờ tôi đã hiểu: dư luận từ đó, bão táp từ đó…

    Thật là nghiệt ngã khi đứa em thứ ba của tôi ra đời. Nó sẽ không bao giờ được nhìn thấy và sẽ không được gọi tiếng “bố” thân thương cho đến khi nó nói được, hiểu được đã đành; nhưng còn mẹ tôi - sống ở nông thôn, nơi tư tưởng phong kiến và cực đoan trong cách phán đoán vẫn còn ăn sâu vào tâm thức của nhiều người thì lời giải thích nào là thỏa đáng khi thời gi­an bố mất đến lúc em bé ra đời lại rất trùng khớp. Nằm ở giường sinh mà mẹ chỉ có một mình. Họ ngoại thì quá xa, họ nội thì nặng lời cay nghiệt: không thể chấp nhận kẻ đánh rơi chữ hạnh. Câu nói ấy nặng hơn ngàn búa bổ. Họ đến rồi đi ngay với vài món quà để lại. Đó là sự thương tình với mấy đứa cháu mồ côi. Phận làm dâu của mẹ họ coi như không còn. May thay vẫn có bà cụ neo đơn cùng xóm, thân với nhà tôi từ lúc bố còn sống, đến để chia sẻ nước mắt cùng mẹ.

    Ba tháng sau ngày sinh con, mẹ lại ra đồng. Khớp tay mẹ vẫn còn đau nhưng không đau hơn cái nhìn miệt thị như dao cắt của mọi người xung quanh. Theo họ, tội của mẹ là cỏ mộ chồng chưa xanh mà đã... Mẹ cắn răng chịu đựng, “ông Trời có mắt mà con!”. Sau này tôi thắc mắc thì mẹ chỉ nói thế nhưng tôi biết lúc ấy là cả một sự hi sinh lớn lao.

    Và nỗi đau của mẹ như chất chồng khi không thể chia sẻ cùng ai. Nhưng có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử. Dường như mẹ bất chấp tất cả, suốt ngày làm việc để đánh đố với nỗi day dứt trong lòng. Mẹ gửi hai đứa em tôi cho bà cụ. Tiếng khóc trẻ thơ xua tan nỗi cô quạnh của tuổi già nên bà cụ rất thương chúng nó, trông nom, chăm sóc mà không một đồng thù lao. Sáu tháng, một năm rồi hai năm, cuộc sống của mẹ hướng dần về phía mặt trời mọc.

    Đứa em út lớn lên, con bé giống bố như tạc. Mũi cao, mắt đen, sâu là những gì người ta bảo nó “ăn cắp” từ bố. Thế là rõ, mẹ tôi “vô tội” mà không cần một lời thanh minh. Thật ra mẹ cũng bất ngờ về cái thai ấy. Mẹ kể và dự đoán, hóa ra lần cuối cùng mẹ gần bố đã nảy nở một mầm sống. “Sống phải chịu sự đàm tiếu của dư luận nhưng không phụ thuộc vào dư luận”. Đó là mẹ tôi. Còn tôi luôn coi lời dạy ấy như một bài học trong cách làm việc sau này. Nói vậy nhưng không dễ chút nào nếu tình thương con và niềm tin của mẹ không vượt lên tất cả.

    Kinh tế gia đình tôi từ đó cũng khá lên nhờ mẹ liên tiếp trúng những mí tằm. Một phần là sự giúp đỡ của các cô trong hội phụ nữ xã. “Nhờ họ mà mẹ con mình bớt khổ”. Mẹ nói với tất cả lòng biết ơn và một chút duy tâm: “Bố phù hộ các con”.

    Có được một ít vốn, mẹ vào Nam với ngoại. Tôi được gửi cho người dì ruột ở quê để đi học. Thế là mọi người tiếp tục nghi ngờ nhưng với thái độ dễ chịu hơn: chuẩn bị có bố mới rồi nhé, năm năm nay không được gọi bố rồi còn gì... Có lẽ đó là lời ám chỉ mẹ, tôi loáng thoáng hiểu ra nhưng bỏ ngoài tai. Nhớ mẹ, tôi chỉ mong mẹ về thật sớm và họ nói sai. Và cuối cùng, tất cả mọi lời ám chỉ đều sai. Lần đó mẹ chỉ đi chữa bệnh khớp xương hai năm rồi về. Và 15 năm nay, kể từ ngày bố mất, mẹ vẫn ở vậy để nuôi chúng tôi khôn lớn.

    Mẹ không cần chứng minh mà mọi người phải công nhận. Mẹ đã vượt qua ngọn gió thứ hai bằng sức mạnh của tình thương con và niềm tin vào chính mình.

    TRẦN MINH KHÔI

    Tuyen_tap_10-en_cam_dong_V3
    by Unknown
    Tuyen tap 1001 cau chuyen cam dong V3

    Tên sách: Tuyển tập 1001 câu chuyện cảm động-​Vol 3

    Nguồn: in­ter­net

    Chính tả+ chế bản: capthoivu (TVE)

    Chuyển sang ebook: capthoivu (TVE)

    Ngày hoàn thành: 22/9/2006

    Nơi hoàn thành: ASEC-​Jak

    Mục lục:

    Giọng hò của mạ
    “Hò ơ… con chi không có chân mà đi năm rừng bảy rú. Con chi không có vú mà nuôi tám chín người con…” - chú Năm em tôi (nhà thơ Đoàn Vị Thượng) hò đố. Không ai biết trả lời làm sao. Thấy thế mạ tủm tỉm cười hò đáp: “Hò ơ… Con rắn không có chưn mà đi năm rừng bảy rú. Con gà mái không vú mà nuôi tám chín đứa con…”. Các con vỗ tay mừng vì đã “dụ” được mạ hò. Bởi vì các con biết mạ hò rất hay và có cả một bụng ca dao hò vè. Không phải mười anh em chúng tôi lớn lên trong lời hát ru nôi hiền hòa của mạ đó sao?

    Ba tôi mất đã hơn ba năm nhưng ngày nào mạ cũng cúng cơm, ngày nào bàn thờ ba cũng nghi ngút khói hương. Tôi đi xa về, nhìn lên bàn thờ ba thấy lòng ấm lại, và đôi khi cứ ngỡ còn sống trong hạnh phúc như những ngày còn ba. Mạ nói chừng nào mạ còn sống thì mạ còn cúng cơm cho ba hằng ngày.

    “Ông ơi về ăn cơm” - mạ thường khấn khe khẽ như thế khi thắp nhang cho ba như thể ba tôi còn sống và đi chơi đâu đó về muộn. Lúc ấy, trên gương mặt mẹ tôi đọc được lòng thành kính, thương yêu của người dành cho ba. Vâng, đối với mạ ba còn sống mãi bên người.

    Ba tôi được thờ trong chùa Diệu Giác, một ngôi chùa nhỏ khuất trong xóm lao động nghèo đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Bệ thờ của ba được lót gạch men trắng lúc nào cũng sạch sẽ, trong mùi trầm hương phảng phất mùi thơm kín đáo của bông huệ trắng mạ thay hằng ngày.

    Lúc còn trẻ ba mạ tôi có cuộc sống kinh tế khá dễ chịu. Đến lúc về già ba mạ gần như trắng tay vì nuôi mười đứa con chỉ biết ăn học, đến núi cũng lở. Những đứa con của mạ, cũng kỹ sư, nhà giáo, cũng giám đốc, trưởng phòng như ai nhưng cuộc sống đạm bạc, thậm chí có phần khó khăn.

    Anh Hai Trinh, kỹ sư nông nghiệp, nhận xét về mấy anh em tôi: “Anh em mình bị ảnh hưởng ông già chất kẻ sĩ. Đói cho sạch, rách cho thơm”. Bởi vậy, đã ngoài 70 nhưng mạ tôi ngày nào cũng xách giỏ ra ngồi ngoài chợ Tân Định mua đi bán lại những quần áo cũ kiếm tiền mua gạo qua ngày. Mạ tôi về nhà giỏ gạo luôn kè kè một bên vai.

    Một chiều, đi làm về sớm, tôi ngồi nơi bậc cửa nhìn ra đầu hẻm đợi mạ đi chùa về. Bóng mạ từ xa đi tới, đôi vai của mạ bị lệch về bên trái, nơi ngày nào mạ cũng kè kè một giỏ gạo. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Bây giờ giỏ gạo không còn nhưng gánh nặng của thời gi­an làm cho vai người cứ lệch đi.

    Gánh nặng thời gi­an kia làm sao tính hết? Anh em chúng tôi có những lúc vô tâm không thấy sự hi sinh thầm lặng của người. Cuộc sống như cơn lốc cứ cuốn lấy chúng tôi, vì miếng cơm manh áo chúng tôi thật hiếm khi đến ngồi bên mạ để tâm sự, sẻ chia những vui buồn của cuộc sống thường ngày. Ôi, mạ của chúng con!

    Ngày giỗ ba, sư Nhân - một nhà sư đã hoàn tục, nay chạy xe ôm - đọc bài thơ mừng thọ ba tôi. Bài thơ này anh viết cách đây ba năm, có ý định tặng ba tôi nhưng bài thơ chưa xong thì ba tôi đã ra người thiên cổ. Bây giờ sư Nhân vừa đọc vừa khóc thút thít: “Tấm lòng ba rộng mở chân trời. Bóng hình ba bóng mát muôn nơi…”. Nghe xong mạ tôi ngồi khóc ngon lành, còn chúng tôi lảng đi chỗ khác để kịp giấu những đôi mắt đỏ hoe.

    Gần mười năm trước, nhà ba mạ tôi ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Nhà nhỏ, bạn bè của con cái lại đông, vậy mà ba mạ tôi mở vòng tay đón hết. Dân miền Trung hiếu học nhưng nghèo khó, cơ nhỡ cũng nhiều, thường ghé nhà ba mạ tôi tá túc, ăn học. Tính từ năm 1975 đến gần những năm 1990 cũng có cả trăm người trọ chứ ít gì. Ba tôi sáng sớm cắp cái bàn gỗ đi bộ ra tận đường Võ Thị Sáu ngồi bán vé số. Mạ tôi xách giỏ cuốc bộ ra chợ Tân Định ngồi mua bán áo quần cũ. Mười anh em tôi đứa đi dạy, đứa đi học, đứa bán thuốc lá, con gái thì may hoặc đan lá buông hợp tác xã.

    Dạo đó toàn thành phố ăn bo bo, riêng nhà tôi bo bo cũng không có mà ăn, phải ăn khoai mì trừ bữa. Đói đến vàng mắt. Dẫu vậy, ba mạ tôi đều coi bạn bè của con như con cháu trong nhà, gặp bữa có gì ăn đó, mỗi người nhín một chút mà vui. Sau này, những người bạn của các con đã lớn khôn, trưởng thành, mỗi người mỗi công việc, mỗi dịp tết đến thường ghé nhà thăm ba mạ tôi kèm theo món quà nho nhỏ, khi thì chai rượu khi thì gói trà…

    Có những hôm vui, mạ và các con ngồi chuyện trò. Các con nói mạ hò đi mạ. Mạ cất giọng hò. Tiếng mạ vẫn còn hay. Mạ có thể ngồi hò cả buổi mà không hết “cả bụng” ca dao hò vè. Mạ kể: hồi nhỏ, ông ngoại kêu mấy chị em ra sân tập hò vào những đêm trăng sáng. Ai hò dở hoặc không thuộc thì bị roi mây vào đít. Mạ là người hò khá nhất trong mấy chị em.

    Một hôm, làng mở hội thi hò nam nữ đối đáp. Dân làng tụ tập trước sân đình lớp trong lớp ngoài. Mấy chị em muốn đi coi nhưng ông ngoại bắt nằm ngủ vì… còn con nít. Năm đó mạ mới 12 tuổi. Mạ nằm trằn trọc không ngủ được vì những tiếng hò theo gió từ sân đình vọng về. Ông ngoại kêu dậy hỏi có thích đi nghe hò không. Mạ nói thích. Ông ngoại ra điều kiện: tới đó thì phải hò mới cho đi. Mạ gật đầu đại.

    Tới sân đình gặp lúc người làng Lệ Thủy quê mạ hò thua làng Bố Trạch, ông ngoại tức khí kêu mạ ra hò. Mạ còn… con nít, ông ngoại phải đỡ lên ngồi trên vai để mọi người thấy. Tiếng mạ thanh mà lanh lảnh, nhưng điều quan trọng nhất là tài ứng khẩu đối đáp ngay với bên kia, nếu chậm thì coi như thua. Những hội thi hò như thế thường kéo dài đến quá nửa đêm và phần thắng luôn nghiêng về phía làng Lệ Thủy. Thế rồi, trong những chàng trai mến mộ giọng hò của mạ có ba tôi...

    TỪ NGUYÊN THẠCH (Viết nhân ngày giỗ ba 14-6-2003)

    Mẹ ...
    ...là một phụ nữ tỏ vẻ ngac nhiên và vui mừng khi các con mang bữa điêmr tâm vào lúc 4 giờ vào Ngày Dành Cho Mẹ.

    ...có 10 đôi tay. Mẹ phải có đủ.

    ...là một người phụ nữ thanh lịch có vụn bánh rơi rớt trên dải lụa thêu đính trên chiếc áo váy mặc buổi chiều.

    ... là người mình sẽ thấy cần vô cùng khi không còn ai sẵn lòng với mình nữa.

    ...là người phụ nữ ngồi trên bờ biển cố núng níu việc đắp một lâu đài trên cát theo mẫu cầu kỳ nhất của Mad King Lud­wig vùng Bavaria - trong khi các con ngồi ném đá vào.

    ...không hề vô lý. Không bao giờ thái quá.

    ...là người phụ nữ biết dùng lời lẽ trấn an một điều vô lý và làm cho mọi việc trở thành tốt đẹp hơn.

    ...là một phụ nữ có những ngăn tủ đầy ắp những bức vẽ loằng ngoằng, những lá thư, những thiệp chúc mừng làm bằng tay, những con thỏ nhồi bông móp méo làm vào dịp Phục sinh, những con mèo bằng đất sét, những bằng khen và các huy chương. Và là người không bao giờ chịu cho ai thuyết phục rời ra bất cứ vật gì trong ấy.

    ...là người một khi đã biết yêu thương thì không bao giờ chịu rời bỏ thói quen đó.

    ...là người gần như ngất đi khi điện thoại reo lúc 11 giờ khuya.

    ...là người phụ nữ có thể làm hàng lô việc cùng một lúc mà còn có thời giờ để hôn một cái đầu gối thâm tím cho đỡ đau.

    Hoa Lay ơn
    Hoàng đế La Mã Bácba­galô ra lệnh treo cổ tất cả các tù nhân Phơran­ki chỉ để lại hai chàng trai khoẻ mạnh và đẹp nhất, đó là Têrét và Xép. Ông dẫn hai chàng về La Mã và đưa vào trường đấu.

    Hai chàng bị nỗi buồn nhớ quê hương, nỗi cay đắng vì mất tự do và thân phận nô lệ thấp hèn hành hạ khôn nguôi. Họ chỉ cầu xin Chúa một điều là được chết ngay tức khắc. Nhưng Chúa không bận tâm đến những lời thỉnh cầu của họ. Ngày lại ngày qua, hai chàng vẫn sống bình yên và khoẻ mạnh.

    - Phải chăng Chúa đã sắp đặt cho chúng ta một số phận khác rồi - một hôm Têrét nói với Xép - và có thể những người này còn muốn dạy cho chúng ta bài học phải biết sử dụng thành thạo thanh gươm để rửa mối nhục cho dân tộc ta chăng?

    - Nếu đến cả Chúa cũng không đủ sức che chở cho dân lành thì chúng ta làm điều đó sao được? - Xép thở dài nặng nề, nói với Têrét.

    - Ta phải cầu xin nữ thần để bà nói cho chúng ta biết điều gì đang đợi chúng ta ở phía trước. - Têrét nói và được Xép đồng tình.

    Một buổi sáng, Têrét kể cho Xép nghe về giấc mơ đêm qua của chàng, Têrét mơ thấy chàng cầm thanh gươm bước lên đấu đài, còn Xép cũng cầm thanh gươm bước ra thách đấu. Họ lúng túng nhìn nhau, còn đám đông la ó ầm ĩ đòi các chàng trai phải bắt đầu cuộc gi­ao chiến. Trong khi không người nào vung gươm trước về phía bạn mình để gây chuyện bất hạnh cho nhau, bỗng một cô gái La Mã xinh đẹp chạy lại gần Têrét và nói: “Hãy giành chiến thắng, chàng sẽ được tự do và tình yêu của ta! Têrét vung gươm lên, nhưng ngay khoảnh khắc ấy, từ lòng đất vang lên một tiếng thét: ”Hãy hành động theo trái tim!"

    - Kìa, dường như em đã chứng kiến giấc mơ của ta! - Xép kinh ngạc thốt lên.

    Trước lúc trời tối, khi đám bạn bè từ đấu trường trở về nhà hết, hai chàng bắt gặp cô gái La Mã dũng cảm, đó là Ốc­tavia và Lêôcácđia, các con gái của Bácba­galô. Têrét và Ốc­tavia, cả hai cùng không hẹn mà đưa mắt nhìn nhau. Họ không sao rời mắt khỏi nhau được nữa, vì vậy họ không hề biết giữa Xép và Lêôcácđia cũng đã xảy ra một chuyện tương tự như thế.

    Tình yêu đâu phải lúc nào cũng mù quáng, mà trái lại rất sáng suốt, và những người yêu nhau bao giờ cũng tìm thấy lối thoát để được ở bên nhau, ngay cả khi giữa họ xuất hiện một vực thẳm giống như vực thẳm ngăn cách người chiến thắng và kẻ chiến bại. Đã từ lâu, Bácba­galô không còn nghi ngờ gì về việc các con gái của ngài vẫn bí mật gặp gỡ hai tù nhân. Và ngài có ý chờ xem Ốc­tavia cũng như Lêôcácđia có dám thú nhận tình yêu mù quáng của mình với Têrét và với Xép không. Bácba­galô rất hiểu tính nết cương trực của các con mình, ngài không nỡ bỏ tù chúng, không ngăn cấm được chúng gặp gỡ người tình một cách vội vã. Ngài chỉ báo cho các con biết rằng, sắp tới, hai tù nhân Têrét và Xép sẽ phải so gươm với nhau, và kẻ nào chiến thắng kẻ ấy sẽ được tự do. Bácba­galô khát máu hy vọng rằng hai đấu sĩ kia sẽ giáp chiến không phải vì cuộc sống mà là vì cái chết, và cả hai sẽ phải rời khỏi cõi đời này, chỉ có điều sự thật ấy thì người đến xem không thể thấy được.

    Tất cả đều diễn ra như dự đoán của Bácba­galô. Ốc­tavia khích lệ Têrét phải bằng mọi cách để giành được chiến thắng và chàng sẽ được tự do; Lêôcácđia cũng khích lệ Xép như vậy. Hai chị em bỗng dưng trở thành kẻ thù của nhau, vì người nào cũng muốn bảo vệ hạnh phúc của mình - hạnh phúc được đổi bằng nỗi bất hạnh của kẻ kia.

    Ngày diễn ra trận đấu bắt đầu. Đấu trường chật ních công chúng. Ngay ở hàng ghế thứ nhất, có Bácba­galô và các con gái. Khi Têrét và Xép, mình trần như các chiến binh Phơran­ki bước ra đấu đài, họ giơ cao các thanh gươm lấp loáng và hô: “Những người đi tìm cái chết gửi lời chào em!” Lập tức đám đông reo hò vì bị kích động. Ốc­tavia đưa mắt khích lệ Têrét. Lêôcácđia dùng ngón tay cái dùi xuống thấp vừa chỉ vào Têrét vừa gật đầu với Xép.

    Các đấu sĩ nâng gươm lên chuẩn bị gi­ao chiến. Bầu không khí căng thẳng trùm lên đám khán giả, các cô gái thì chết giấc.

    Nhưng đúng khoảnh khắc mà Têrét xỉa gươm để đâm vào ngực Xép, bỗng anh nghe thấy tiếng trái tim mình thôi thúc. - Hỡi chàng trai Phơrăngkít Têrét, chàng sẽ trả lời thế nào trước người mẹ Tổ Quốc về việc chàng đã sát hại đứa con trai của bà?

    Câu hỏi ấy cũng vang vọng trong trái tim của Xép, và cùng lúc đó hai đấu thủ đã lao vào ôm hôn nhau, khiến đám đông la ó phẫn nộ:

    - Hai đứa phải chết! Ốc­tavia chồm lên hét:

    - Têrét, hãy chiến đấu vì hạnh phúc của đôi ta! Cũng những lời lẽ ấy, Lêôcácđia khích lệ Xép.

    Têrét, sau khi vung gươm lên làm yên lòng khán giả, bèn ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh và nói:

    -Các người có sức mạnh hơn, các người đã biến chúng ta thành nô lệ, nhưng các người đừng hòng buộc chúng ta phải làm những kẻ hèn hạ! Các người có thể giết chúng ta, song các người không phải là kẻ chiến thắng!

    Dứt lời, chàng bèn cắm thanh gươm của mình xuống đất; Xép cũng làm như vậy.

    Bácba­galô ra hiệu cho các chiến binh nổi loạn. Khi xác của Têrét và Xép được đưa ra khỏi đấu trường, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra: những thanh gươm được cắm xuống đất cứ kêu leng keng, và ngay trên mảnh đất có hai thanh gươm ấy đã mọc lên những bông hoa. Những bông hoa người đời vẫn thường gọi: HOA LAY ƠN.

    Người làm công kỳ lạ
    Tôi rúc đầu vào gối, đầu nặng trĩu tuyệt vọng. Chẳng lẽ với tôi đây là cả cuộc đời còn lại. Tôi, hai năm sau khi ra trường, đang bỏ cả ngày tháng cho một công việc hoàn toàn không thích hợp, lương thấp mà cũng chẳng có tương lai. Đã nhiều lần tôi cố không nghĩ đến câu hỏi này, nhưng cảm giác chán nản đó đã không tài nào thoát ra được.

    Sáng hôm sau, tôi cố lết ra khỏi giường để đến chỗ làm. Hôm nay có một vài người mới - họ là những người làm công tạm thời, lương còn thấp hơn nhiều so với nhân viên chính thức như chúng tôi. Sau một lúc làm việc, ánh mắt tôi chú ý đến một người. Anh ta có vẻ lớn tuổi nhất trong số họ, mặc bộ đồng phục. Đó là điều đặc biệt vì công ty chúng tôi không hề có đồng phục. Thật ra, họ cũng không biết chúng tôi ăn mặc như thế nào. Anh ta mặc một chiếc quần thẫm màu thẳng nếp với chiếc áo xanh lao động, trên ngực túi còn may ngay ngắn cả bảng tên. Có lẽ anh ta tự mua cho mình bộ đồng phục đó.

    Tôi quan sát anh trong suốt ngày hôm đó, và cả những ngày kế tiếp khi anh còn làm việc với chúng tôi. Anh không bao giờ đi trễ hay sớm, chính xác như một chiếc đồng hồ vậy. Với một công việc hết sức bình thường, anh làm việc rất cần mẫn, chuẩn xác với một sự cẩn trọng đặc biệt. Anh hòa nhã thân thiện với tất cả mọi người nhưng không bao giờ nói chuyện trong lúc làm việc.

    Đến giờ cơm trưa, trong khi chúng tôi đến nhận phần ăn của mình tại quầy phân phát, anh lại lặng lẽ lôi trong túi đồ một hộp cơm cũ kỹ bằng in­ox, và sau mỗi bữa ăn chỗ của anh lúc nào cũng sạch sẽ. Và dĩ nhiên, lúc nào anh ta cũng trở lại công việc đúng giờ. Có thể nói anh là một người làm công mà bất cứ ông chủ nào cũng đều hài lòng. Chúng tôi đều có những suy nghĩ như vậy, anh không chỉ tốt mà thật sự đáng khâm phục.

    Rồi công việc tạm thời đó cũng chấm dứt, anh rời công ty rồi đi đâu không rõ. Nhưng đối với cuộc đời tôi anh đã hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ của tôi.

    Tôi không mua cho mình bộ đồng phục, cũng không có hộp cơm trưa nhưng tôi bắt đầu đặt ra cho mình những nguyên tắc. Tôi bắt đầu tập làm việc như một doanh nhân chuẩn bị kỹ càng cho hợp đồng của mình, và rồi tôi được người quản lý đề bạt lên chức vụ cao hơn. Vài năm sau, tôi chuyển đến một công việc tốt hơn ở một công ty khác.

    Cuối cùng, tôi cũng tự đứng ra lập công ty riêng. Cho đến mãi sau này, những thành công của tôi đều đến từ sự cần mẫn và may mắn của mình, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ điều may mắn lớn nhất của tôi là bài học tôi đã học được từ người công nhân kỳ lạ năm xưa : SỰ TÔN TRỌNG KHÔNG ĐẾN TỪ CÔNG VIỆC MÀ BẠN ĐANG LÀM, NÓ ĐẾN TỪ CÁI CÁCH MÀ BẠN ĐANG LÀM CÔNG VIỆC ĐÓ.

    Một trận cười
    Tôi là chủ một công ty. Một hôm, tôi bỗng bốc lên quyết định làm một thực nghiệm do mình nghĩ ra. Thế là tôi liền triệu tập ngay mười mấy nhân viên của mình lại, rồi ra lệnh: “Bây giờ, các anh mỗi người hãy tự chửi rủa, hoặc nói xấu bản thân mình một câu. Tóm lại, các anh được chọn một trong hai cách đó”.

    Một hồi lâu, không có một tiếng động nào, tất cả đều nhìn tôi họ cho rằng tôi đang đùa.

    Tôi tỏ ra nghiêm chỉnh: “Đây không phải là chuyện đùa mà là một nhân tố để khảo nghiệm tính chất nghiệp vụ, chủ yếu là để kiểm nghiệm xem thái độ của các anh như thế nào với ông chủ. Đối với một công ty mà có tiền đồ phát triển mạnh mẽ như vậy, thì việc này là hết sức quan trọng”.

    Không có một ai lên tiếng, tất cả mọi ánh mắt đều đang soi rọi vào nét mặt tôi, để xem có nhận ra được một nét gì sơ hở trên khuôn mặt không.

    Tôi không cười, rút từ trong túi ngực ra một tờ giấy bạc: Ai nói trước tôi sẽ thưởng người đó 100 đồng. Nếu mọi người nói lần lượt tôi sẽ thưởng đồng loạt mỗi người 100 đồng. Còn không, tiền thưởng tháng này của tất cả sẽ bị trừ hết.

    Có người mắt sáng lên, Triệu Nhất tranh nói trước: “Tôi Triệu Nhất không phải là người”. Kết quả là anh ta đã nhận được tờ giấy bạc có giá trị.

    Tiếp theo là Kiềm Nhị: “Tôi Kiềm Nhị là một con chó”. Và đương nhiên anh ta cũng nhận được một tờ giấy bạc có giá trị như vậy.

    Thế là tất cả đều tranh nhau, mỗi người chửi bản thân một câu, và sau khi tờ giấy bạc được đưa đến tay, thì đều thở phào nhẹ nhõm.

    Trong số mười mấy người đó thì chỉ có duy nhất một người không nói gì. Anh ta vẫn đứng đó, lặng im nhìn tôi. Tôi biết anh ta tên là Vương Thập Lục, mới đến làm ở công ty chưa được bao lâu.

    Tôi cảm thấy có hứng thú, liền nói với anh ta: “Bây giờ, thì chỉ còn lại mình anh thôi. Nếu như anh cũng chửi bản thân một câu, thì tôi sẽ thưởng anh 300 đồng. Còn không thì tiền hoa hồng của mọi người tháng này sẽ bị liên lụy bởi anh.”

    Tôi biết gia cảnh nhà Vương Thập Lục rất nghèo, bố không có việc mẹ lại bị bệnh, nên anh ta rất cần tiền. Tôi nghĩ bụng, một câu nói mà kiếm được 300 đồng anh ta sẽ không thể cưỡng được lòng mình.

    Vương Thập Lục đưa mắt lướt nhìn đồng nghiệp, dường như đang để đánh giá, ước lượng một cái gì đó. Sau đó, anh ta lại quay lại nhìn tôi, lắc đầu: “Tôi không thể chửi mình được, càng không thể nói xấu bản thân được.”

    Tôi vẫn tiếp: “Nếu như anh làm như tôi nói, tôi sẽ thưởng cho anh 500 đồng. Nếu anh vẫn cố chấp không chịu, thì tất cả nhân viên tháng này một người sẽ bị trừ vào lương 200 đồng”.

    Lúc này, Triệu Nhất, Kiềm Nhị tranh nhau khuyên giải Vương Thập Lục, rằng anh ta đừng nên chịu thiệt, hoặc chí ít cũng đừng để liên lụy đến người khác. Nói đi, chửi hay mắng mình một câu thôi mà, dễ ợt đến đứa trẻ 3 tuổi cũng nói được. Nhanh lên đừng để ông chủ tức giận.

    Vương Thập Lục cắn chặt răng, nhất quyết lắc đầu. Tôi không ngờ rằng anh ta lại cố chấp đến như vậy. Tôi nhìn thẳng vào anh ta, dằn giọng từng câu từng chữ một: “Anh... không... hối... hận chứ?”

    Vương Thập Lục cười nhẹ: “Tôi có làm điều gì sai đâu, tôi chỉ không thể nói xấu bản thân được thôi. Tôi là một con người, tôi càng không thể vì tiền mà bán rẻ bản thân được”.

    Không đợi tôi có phản ứng gì, đám nhân viên của tôi đã ầm ầm lên nói. Vương Thập Lục không biết đùa vui là gì, đồ hấp! Vương Thập Lục là cái quái gì chứ, đồ khùng! Vương Thập Lục là con chó, đồ chết dẫm!

    Họ vừa chửi, vừa vây xúm lại Vương Thập Lục.

    - Dừng tay!

    Tôi quát lên, đẩy đám đông ra, bước đến trước mặt Vương Thập Lục, vỗ vào vai anh ta, cười: “Anh là người dũng cảm, từ hôm nay trở đi, anh là phụ tá cho tôi.”

    Vương Thập Lục đã mím chặt môi đến rớm máu, nói: “Cảm ơn ý tốt của ông chủ, nhưng tôi đã quyết định xin nghỉ việc rồi”

    Nói xong anh ta liền bước đi ngay, dáng đi buồn lặng, không ngoái lại.

    Rất lâu sau này, tôi cũng không gặp lại anh ta nữa, chỉ nghe nói anh ta đã đi về Phương Nam rồi.

    Cha tôi
    Thứ bảy, ngày 17.

    En­ricô ơi ! Chắc hẳn những bạn con như Côrêt­ti và Garônê không bao giờ trả lời cha mẹ một cách vô lễ như con đã đối với cha con chiều qua. Con phải hứa cùng mẹ rằng từ nay con sẽ không thế nữa. Mỗi khi cha con mắng con là y như con nói trả những câu rất vô lễ. Con nên tưởng tượng đến một ngày kia - mà ngày ấy không thể tránh được - cha con hấp hối trên giường bệnh gọi con lại giường để trối trăn. Khi đó, nghe những câu nói cuối cùng của cha, chắc lòng con sẽ phải thổn thức, ân hận vì đã có điều ở tệ với cha. Lúc bấy giờ con mới hiểu rằng: trước kia cha con thực là một người bạn tốt của con; mỗi khi bất đắc dĩ phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc.

    Trừ lòng yêu con, thương con, còn ngoại giả cha con giấu hết. Nào con có biết : những khi phải lao tâm lao lực quá, tưởng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, cha con lại lo buồn cho con sau này sẽ phải chơ vơ, không nơi nương tựa! Nào con có biết: bao phen bị mối ưu phiền ấy ám ảnh, cha con đã vào giường con đang giấc ngủ say, đứng đó nhìn con mà nghĩ ngợi ! Nào con có biết: lắm khi cha con đang chán nản về việc đời không được như ý, chợt nhìn thấy con là mọi nỗi sầu đều tiêu tan cả vì người cha vất vả ấy cần đến tình yêu của con mới được yên lòng và trở nên can đảm.

    Trong lúc cha con đang trông mong vào lòng hiếu thảo của con; bỗng thấy con mang lòng lãnh đạm, tệ bạc thì cha con khổ thống biết là dường nào ? Con đừng lầm lạc vào con đường bội nghĩa vong ân ấy. Con nên nghĩ rằng ở đời này không có cái gì là vững bền cả, con có thể mồ côi cha lúc còn bé. . . Con có thể mất cha trong một năm nữa, một tháng nữa hay ngày mai cũng không biết chừng !

    Ôi ! đến lúc bấy giờ con sẽ thấy cảnh vật ở xung quanh con thay đổi cả, con sẽ nhìn thấy nhà ta vắng vẻ quạnh hiu, con sẽ trông thấy mẹ con đầu tang tóc rối, âm thầm chua xót ! Thôi ! Con ơi. Mẹ nói đã nhiều. Con hãy lên nhà tìm cha con, ôm gối cha mà xin lỗi

    Mẹ con.

    Mẹ tôi
    Sáng nay, cô giáo Ðan Cát Tiên lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế, cha tôi răn tôi bằng lá thư sau đây, đọc rất cảm động:

    “Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. An ơi! Lần sau không được thế nữa! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải ”bỏ" con thì lại sụt sùi. Con ơi! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống! Con ơi! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất mẹ con.

    Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, vì dù lớn đến mức nào, khỏe đến mực nào, con vẫn thấy là một đứa trẻ trơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào giày xéo lên chữ hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm; con người dù sang trọng tuyệt vời, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.

    An ơi! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xóa sạch vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quí báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!"

    Cha con!

    Hoa Tử đinh hương Ba Tư
    Chuyện xảy ra vào thời mà muôn loài đều vô cùng sợ hãi rồng và phù thủy. Cứ chiều chiều, khi gió bắt đầu thổi ù ù vào các ống máng đầu hồi, tức là lúc có dấu hiệu rồng sai phái mụ phù thủy gieo tai hoạ xuống đầu một người nào đó. Rồng vốn đam mê công chúa. Nhưng rồng thì nhiều mà công chúa lại hiếm. Thế nhưng, loại quỷ này lại không tha cả đám đàn bà, con gái dân thường.

    Một đêm nọ, gió xộc vào nhà bà Pécx­ia. Chuyện gì sẽ xảy ra đây? rõ ràng là rồng đã đến quyến rũ bà mẹ có chín người con trai này. Song chẳng lẽ chín chàng trai cừ khôi kia lại không bảo vệ nổi mẹ?

    Các chàng trai quy ước với nhau thế này: chỉ để một người ở nhà canh gác, còn tất cả phải đi làm việc. Các anh lớn thay nhau cầm gươm bảo vệ mẹ. Tám ngày liền trôi qua không gặp chuyện gì trắc trở. Rồi đến lượt chàng út ở nhà.

    Chàng đứng ở cổng, canh chừng các ống máng đầu hồi nhà đã lâu không thấy có điều gì khả nghi, nhưng khi chàng định vào nhà ăn trưa thì nghe có tiếng cười vui vẻ ở ngoài vườn. Chàng vội ghé mắt nhìn... chuyện gì thế kia. Chàng thấy một cô gái xinh đẹp, trên ngực cài bông hoa Anh Túc đỏ thắm. Nàng chào mời chàng: “Hãy lại đây với em! Chỉ có điều xin chàng hãy cất gươm đi đã, em không thích loại vũ khí này!” Chàng trai liền rời tay gươm. Lập tức cô gái ré lên, gỡ bông hoa Anh Túc trên ngực đưa cho chàng trai mời chàng thưởng thức hương thơm. Vốn bản tính trung thực, chàng trai vừa đưa bông hoa đỏ ối lên mũi thì lập tức thấy buồn ngủ quá rồi ngã lăn quay ra vườn. Chàng chỉ còn kịp nhận ra tiếng con rồng vừa gầm gào vừa lao đến cướp mẹ chàng bay lên cao. Còn cô gái xinh đẹp thì đã hoá thành mụ phù thủy nổi gió bay đi mất.

    Chàng út thiếp đi một lát, lúc choàng tỉnh dậy chàng không biết nên làm gì và nên nói với các anh thế nào? Tốt nhất là nên đi tìm ngay hang rồng. Chàng dắt thanh gươm vào thắt lưng, bỏ vào túi ít lương khô rồi lên đường.

    Chàng đi mãi, đi mãi, đến cuối ngày thì chàng gặp một cụ già có vẻ mệt mỏi đang ngồi bên đường, miệng lầm rầm cầu xin:

    - Hãy thương người già, hỡi chàng trai, ta muốn xin chàng mẩu bánh mì!

    - May mắn là con được gặp già - Chàng út đáp - Xin già hãy cho con biết, già có thấy con rồng mang mẹ con đi về hướng nào không?

    Ông già cầm mẩu bánh mì đoạn chỉ tay về hướng Nam. Chàng út rảo chân bước.

    Chàng lại mải miết đi cho đến tận cuối ngày, và cũng thật lạ kỳ! - Chàng lại đến chỗ ông già đang ngồi. Ông già nói:

    - Con ơi, con hãy đào hố và trồng cho ta một cây táo. Ta muốn ăn táo nhưng không còn sức trồng cây nữa.

    Chàng út dùng gươm thoăn thoắt đào hố và trồng xuống đó một cái cây non. Rồi chàng xin chỉ đường cho chàng đi về hang rồng.

    Ông già chỉ về hướng Bắc. Và chàng út lại cắm cúi đi cho đến cuối ngày. Thật lạ lùng quá, rốt cuộc chàng lại đến đúng chỗ ông già vẫn ngồi. Ông già khẩn khoản nhờ chàng hãy giết chết con rắn độc đang bò vào túp lều của ông, mà đêm đêm nó thường quấy rầy không cho ông chủ.

    Chàng trai xông vào lều, dùng gươm chặt đứt đầu rắn. Chàng xin ông già đừng đánh lừa chàng nữa.

    - Ta đã thử thách con ba lần về tính hào hiệp, lòng nhân hậu và thái độ dũng cảm. Con trai ạ, hãy đi về hướng Tây, chính hang rồng ở gần kề đó. Con sẽ phải chiến đấu sống mái với nó. Ta cho con một câu thần chú, giúp con biến hoá theo ý muốn của con. Có điều này phải nhớ: con chỉ có thể biến hoá thành dạng khác được hai lần, lần thứ ba con phải trở lại làm người ngay. Nếu lần thứ ba con biến thành cái gì đó thì con sẽ vĩnh viễn phải chịu số phận như vậy.

    Chàng trai nhập tâm câu thần chú và đi về hướng Tây. Chàng cứ đi mãi cho đến khi nhìn thấy một ngọn lửa xanh leo lét trong đêm.

    Chàng bóp chặt thanh gươm trong tay và bước về phía ngọn lửa. Nhưng chàng bị sa xuống một bãi lầy. Chàng thấy một người đàn bà lưng gù, trên vai vác một khúc gỗ nặng đi lại phía chàng. Ai thế kia? Phải chăng người đó là mẹ chàng?

    Chàng trai lên tiếng gọi, song người đàn bà sợ hãi hét:

    - Con ơi, con đến tìm mẹ ở đây mà làm gì! Không một ai sa chân vào cái đầm lầy này mà còn sống trở về! Thà chết một thân mẹ còn hơn là thấy con trở thành nô bộc cho Rồng!

    - Không, mẹ ơi - chàng trai đáp - Vì con mà mẹ bị rồng cầm tù. Nghĩa vụ của con lúc này là cứu mẹ. Mẹ hãy ngồi lên khúc gỗ già, con sẽ đọc một câu thần chú, con sẽ biến thành dòng sông đưa mẹ thoát khỏi chốn này.

    Hai mẹ con làm đúng những điều đã bàn.

    Nhưng khi phát hiện ra nữ nô tỳ Pécx­ia bỏ trốn, Rồng liền đuổi theo. Dòng sông cứ chảy mãi cho tới khi cập vào một bãi cát mà ở đó nước đã cạn kiệt.

    - Mẹ ơi, con sẽ biến thành con ngựa, mẹ hãy cỡi lên lưng con và túm lấy bờm. Con sẽ đưa mẹ băng qua sa mạc cát này - chàng trai nói và biến ngay thành con tuấn mã khôn ngoan.

    Ngựa tung bốn vó phi nước đại, Rồng đuổi theo sau, nhưng dọc đường ngựa lại gặp một cái hố vừa sâu vừa rộng chặn ngang.

    - Con trai ơi, con phải trở lại làm người ngay và nấp dưới đáy hào này - Người mẹ van xin, song chàng út không chịu nghe.

    - Mẹ có chín người con trai, nhưng chín người con chỉ có một mình mẹ - chàng trai đáp - Con sẽ biến thành khóm hoa rậm rạp chắn che, bảo vệ mẹ.

    Chàng trai đọc câu thần chú, lập tức trên mặt hào mọc lên một bụi cây rậm có những bông hoa tím thơm ngát. Bà Pécx­ia vừa ẩn mình trong bụi cây thì đúng lúc con rồng phun lửa phì phì bay qua.

    Đó chính là loài hoa Tử Đinh Hương Ba Tư. Hôm nay đây, loài hoa ấy đang làm đẹp cho biết bao mảnh vườn.

      Hôm nay: Thu Sep 19, 2024 7:05 am